MỘT NGÀY SAU BẦU CỬ
Hôm nay là một ngày khó khăn đối với nhiều người Mỹ. Một nửa ăn mừng chiến thắng đồng nghĩa với việc nửa còn lại đang trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực. Ở trường của mình, một đồng nghiệp đã hủy lớp vì cô ấy cảm thấy vô cùng stress và lo lắng. Mình thì vẫn đi dạy, nhưng thấy khá nhiều sinh viên tới lớp với khuôn mặt mệt mỏi và thất vọng. Nhiều bạn thức cả đêm qua để chờ kết quả bầu cử, có bạn bật khóc vì kết quả không như ý.
Là một người làm giáo dục và giảng dạy nhiều lớp liên quan trực tiếp tới thể chế và hệ thống chính phủ Mỹ, bản thân mình cũng chịu sự tác động của cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, mình không nghĩ là kết quả bầu cử ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý nhiều đồng nghiệp và sinh viên đến thế. Mình nói với các bạn sinh viên rằng đồ thì đấu tranh xã hội cũng như đồ thị kinh tế, lúc lên, lúc xuống. Tham gia vào quá trình dân chủ, ngoài lá phiếu ra, còn bao gồm những nỗ lực hàng ngày mà các bạn đang trực tiếp đóng góp thông qua công việc của mình.
Bốn năm nữa, Mỹ sẽ lại có một cuộc bầu cử mới và chúng ta sẽ lại trải qua những cảm xúc tương tự. Vậy chúng ta có thể làm gì để đón nhận sự thay đổi một cách nhẹ nhàng hơn và giúp hàn gắn những xung đột đang và sẽ diễn ra?
Thấu cảm và chấp nhận sự khác biệt. Mình nghĩ thách thức lớn nhất cho tất cả mọi người trong cuộc bầu cử này là hiểu và chấp nhận vì sao bên đối lập không cùng suy nghĩ như mình. Chúng ta cũng thường có những quy chụp như "Đảng Dân Chủ quá woke", "Đảng Cộng Hòa quá bảo thủ", "những người ủng hộ Trump không coi trọng quyền phụ nữ" , và "thật nực cười khi dân nhập cư lại ủng hộ chính sách chống nhập cư". Thực tế là các cá nhân từ một cộng đồng không nhất thiết phải suy nghĩ, và hành xử giống nhau. Quyền phá thai có thể quan trọng với một phụ nữ trẻ và có mong muốn tự chủ như mình, nhưng chưa chắc đã quan trọng với một phụ nữ hàng ngày phải lo kinh tế gia đình. Với cô ấy, dù có ủng hộ quyền phá thai, cô ấy vẫn sẽ bầu cho ứng cử viên mà cô ấy tin rằng có thể cải thiện nền kinh tế và giảm lạm phát. Việc trì triết và lên án lựa chọn của một cá nhân thường bắt nguồn từ việc chúng ta không thực sự thấu cảm với hoàn cảnh của họ.
Nhìn nhận sự xung đột và bất đồng một cách nhẹ nhàng hơn. Bất đồng và xung đột thực chất là điều cần thiết cho tiến trình phát triển của xã hội. Vì nếu chúng ta luôn đồng ý với nhau, chúng ta sẽ không biết liệu sẽ có con đường nào khác tốt hơn. Dù Đảng Dân Chủ và Đảng Công Hòa có nhiều chính sách đối lập, mình nghĩ họ chính là hai mặt của một đồng xu vì hai đảng này luôn chỉ ra những điểm yếu của đảng còn lại. Nhìn gần hơn, môi trường làm việc ở nhiều tổ chức cũng thường xuyên xảy ra xung đột về văn hóa và cách làm việc. Đó là cơ hội để chúng ta hỏi "tại sao" và bắt đầu đối thoại để giải quyết mâu thuẫn. Mình luôn nói với các bạn sinh viên rằng chúng ta không nhất thiết phải giống nhau để chung sống cùng nhau. Việc chung sống cùng nhau đòi hỏi nhiều giá trị hơn, ví dụ như sự tôn trọng, sự cảm thông, và sự hiểu biết.
Trau dồi tư duy. Mình nghĩ giai đoạn bầu cử là một cơ hội rất tốt để cải thiện và học hỏi thêm nhiều kiến thức mới. Mình thường hay vào các trang mạng đối lập để phần đọc bình luận và tìm hiểu vì sao mọi người lại thích hay ghét một ứng cử viên. Bên cạnh đó, mình cũng nhận ra là rất nhiều người đưa ra quyết định bằng cảm tính thay vì thực sự dành thời gian để tìm hiểu vấn đề một cách nghiêm túc. Bản thân mình cũng nhận ra nhiều điều mình tưởng đúng nhưng lại không đúng. Ví dụ, quyền phá thai không chỉ liên quan tới hành vi phá thai, và tăng thuế quan (tariff) chưa chắc bảo vệ các chủ doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt trong một môi trường đa dạng và có quá nhiều kênh thông tin như hiện tại, mình nghĩ chúng ta cần dành thời gian học hỏi, trau dồi thì mới có thể xây dựng được một lập trường tốt và một tư duy đa chiều.